Từ đầu năm 2020 cả thế giới đang phải hứng chịu trận đại dịch Covid 19 ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới. Tâm lý nhà đầu tư hoang mang không biết đầu tư vào kênh nào thì hiểu quả, an toàn…

Trước vô vàn những thông tin dẫn dắt và định hướng từ truyền thông các dự án Bất động sản, Chứng khoán, Vàng… Nhà đầu tư có thể nhận trái đắng nếu thiếu kinh nghiệm và ra quyết định vội vàng.

Vậy câu hỏi đặt ra là “Đầu tư vào đâu trong mùa dịch Covid 19” này? Các chuyên gia khuyên lúc này nên nhắm tới những kênh có tính thanh khoản cao như tiết kiệm, vàng, USD và kiên nhẫn chờ thời cơ với chứng khoán.  

Giữ vàng và ngoại tệ?

Ưu điểm: Vàng là một kim loại quý và nguồn cung có giới hạn. Vàng và ngoại tệ là những tài sản có tính thanh khoản cao, dễ mua và bán, nhà đầu tư có thể trực tiếp thực hiện giao dịch mà không cần qua trung gian mua bán. Tuy nhiên, vàng và ngoại tệ chỉ nên coi là kênh đa dạng hóa và tích trữ tài sản giữ giá trị mà không ảnh hưởng bởi lạm phát trong nước vì bản thân vàng và ngoại tệ không tự sinh ra giá trị.

Nhược điểm: Thị trường vàng và ngoại tệ cũng có nhiều biến động mạnh và chịu ảnh hưởng bởi các chính sách quản lý Nhà nước mà nhà đầu tư khó kiểm soát. Nhà đầu tư cá nhân không dành thời gian nghiêm túc khó có thể nắm bắt chu kỳ lên xuống của giá vàng, ngoại tệ cũng như diễn biến của thị trường vàng, ngoại tệ và chính sách kinh tế vĩ mô của thế giới. Để đầu tư được vàng, ngoại tệ nhà đầu tư phải dự báo được các tình huống, chính sách và điều này không hề dễ dàng với các nhà đầu tư.

Đầu tư vào đâu trong mùa dịch covid 19
Diễn biến giá vàng quốc tế 5 năm trở lại đây. Nguồn: Bloomberg.

Giám đốc đầu tư Công ty liên doanh quản lý Quỹ đầu tư chứng khoán Vietcombank VCBF Nguyễn Thị Hằng Nga cho rằng vàng là tài sản trú ẩn và có tính thanh khoản cao khi kinh tế bất ổn. Nhưng giá vàng hoàn toàn phụ thuộc vào cung cầu nên rất khó để xác định “giá trị thực” nên khá rủi ro với nhà đầu tư chọn sai thời điểm mua vào.

Khi Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực, các chính phủ bơm tiền và dùng các chính sách nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Thậm chí nhiều Chính phủ sẽ phát tiền, chi phiếu cho mỗi người dân. Nhưng mặt trái của những động thái này là tổng nợ chính phủ và nợ hộ gia đình trên thế giới ngày càng phình to, dẫn đến các ngân hàng phải mua vàng vào để cân đối.

Nhà đầu tư tốt nhất nên đầu tư vàng dài hạn trên 1 năm và tránh lướt sóng do giá thế giới và trong nước chênh lệch rất lớn khi thị trường biến động mạnh. Hơn nữa, vàng có tính thanh khoản không thua kém tiền mặt. Vàng là kênh đầu tư có khả năng sinh lời trong nửa năm tới. Trong bối cảnh kinh tế bất ổn và cuộc khủng hoảng “vô tiền khoáng hậu” vì Covid-19, tài sản trú ẩn là vàng sẽ càng được ưa chuộng, đặc biệt với tâm lý người dân Việt Nam.

Bà Hằng Nga, Giám đốc đầu tư của VCBF cũng cho rằng về dài hạn, sau khi dịch bệnh bùng phát và ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ, nợ chính phủ tăng lên rất mạnh và chính phủ Mỹ sẽ phải in thêm tiền khiến đồng USD mất giá. “Đầu tư vào USD không phải là ý tưởng hay để sinh lời tốt, tuy nhiên khá an toàn”, bà nói.

Với những biến động từ dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng và rất khó tránh việc tiền đồng bị mất giá so với USD. Tuy nhiên, khả năng tiền đồng mất giá mạnh là rất khó xảy ra vì dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang dồi dào, lạm phát được kiểm soát khá tốt.

Nhìn chung, USD có tính thanh khoản, an toàn và giá USD chưa lên quá cao nên nhà đầu tư có thể “giữ một ít USD” nếu đó là nguồn hợp pháp.

 

Đầu tư vào đâu trong mùa dịch covid 19 - Ngoại tệ
Kênh đầu tư ngoại tệ vốn một thời là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư

Kinh doanh bất động sản?

Ưu điểm: Tài nguyên đất không tăng thêm, quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp nên xu hướng chung cơ bản là giá đất sẽ giữ giá trị hoặc tăng trong dài hạn.

Nhược điểm: Để tham gia kênh đầu tư bất động sản thì nhà đầu tư cần một lượng vốn lớn nên sẽ hạn chế không đa dạng được sản phẩm đầu tư, dẫn tới rủi ro cao khi thị trường nhà đất biến động. Cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm để xác định được đầu tư bất động sản nào và nên mua/bán thời điểm nào thì phù hợp.

Ngoài ra tính thanh khoản với loại hình này là rất thấp, khi cần tới tiền thì không dễ dàng bán được ngay, thậm chí có trường hợp không thể bán được trong thời gian rất dài.

Đầu tư vào đâu trong mùa dịch covid 19 - Bất động sản
Thị trường bất động sản biến động liên tục trong vài năm gần đây

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định: “Thời điểm này, người khôn ngoan không nên bung tiền vào bất động sản”. 

Tuy nhiên, nếu có cơ hội thực sự tốt, nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ nếu muốn đón đầu, lưu ý tránh những dự án có thông tin “bơm thổi” khiến giá tăng dựng đứng. Giá trị bất động sản tăng phải tỷ lệ thuận với giá trị đầu tư thật sự (hạ tầng, dịch vụ, kỹ thuật…).

Trong báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 với hoạt động đầu tư bất động sản trong 6-12 tháng tới, Jones Lang LaSalle (JLL) Việt Nam cũng nhận định thị trường vốn chảy vào tài sản có thể sẽ chậm lại trong nửa đầu năm 2020 thậm chí lâu hơn vì các nhà đầu tư do dự trước tình hình bất ổn. Vì vậy giới đầu tư sẽ nghiêng về nhóm tài sản trú ẩn an toàn, cân nhắc về rủi ro như ổn định thu nhập, thích ứng nhanh để tăng khả năng vận hành thay vì đặt ra mục tiêu lợi nhuận khủng như trước đây.

Tiết kiệm ngân hàng?

Ưu điểm: Phù hợp với nhu cầu tài chính ngắn hạn, lợi nhuận vừa phải theo lãi suất cố định mà ngân hàng quy định, rủi ro cực thấp. Thường thì mỗi người nên có một khoản tiền gửi ngân hàng tương đương 6-8 tháng chi phí sinh hoạt, chi tiêu dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp, hoặc phục vụ cho những mục tiêu ngắn hạn (dưới 1 năm)

Nhược điểm: Lãi suất tiết kiệm ngân hàng thường không cao hơn tỷ lệ lạm phát nhiều, và trong thời kì lạm phát cao như dịch bệnh thậm chí lãi suất ngân hàng còn thấp hơn so với mức lạm phát. Bên cạnh đó, tiền gửi ngân hàng thường có kỳ hạn và nếu rút trước hạn còn bị phạt lãi suất lên không có tính linh hoạt/thanh khoản.

Đầu tư vào đâu trong mùa dịch covid 19 - gửi ngân hàng
Tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh yêu thích

Những nhà đầu tư sành sỏi đều cho rằng “tiền mặt là vua” trong thời điểm suy thoái nhưng để tiền mặt trong nhà là một phương án tồi.

Do đó, gửi tiết kiệm là lựa chọn phải có trong danh mục của nhà đầu tư giai đoạn này, đặc biệt là người không am hiểu tài chính.

Song nhà đầu tư có thể tham khảo các kênh khác để có những lựa chọn phù hợp hơn và thực hiện triệt để phương pháp “không bỏ trứng một rổ”.

Đầu tư qua kênh chứng khoán?

Ưu điểm: Là kênh đầu tư linh hoạt, có thể mua bán dễ dàng và nhanh chóng, đặc biệt với cổ phiếu niêm yết. Không đòi hỏi vốn quá lớn và mọi đối tượng đều có thể tham gia. Đầu tư vào chứng khoán giúp nhà đầu tư đạt gia tăng tài sản cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhược điểm: Việc đầu tư và thị trường chứng khoán đòi hỏi nhà đầu tư phải có kiến thức, kinh nghiệm. Thị trường chứng khoán thường có biễn động khó lường trong ngắn hạn do chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như kinh tế vỹ mô trong nước, biến động kinh tế thế giới, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tâm lý nhà đầu tư, yếu tố dòng tiền và sự kiện chính trị khác. Điều này gây khó khăn đặc biệt cho nhà đầu tư cá nhân khi tham gia sân chơi này.

Đầu tư vào đâu trong mùa dịch covid 19 - Chứng khoán
Thị trường chứng khoán luôn hấp dẫn để đầu cơ

Chứng khoán toàn cầu lao dốc là cơ hội để bắt đầu bỏ tiền vào cổ phiếu để sở hữu một danh mục giá rẻ theo nhận định của Giám đốc đầu tư của VCBF. “Những người tài sản phần lớn là tiết kiệm có thể bắt đầu phân bổ vào cổ phiếu, đầu tư dần dần 1-2 năm và hưởng lợi khi giá quay đầu tăng trưởng trở lại”, bà nói.

Không ai đoán được đâu là đáy thị trường nhưng nhìn chung vẫn đang trong xu hướng tiêu cực và theo bà Hằng Nga, nhà đầu tư có thể tăng dần số tiền đầu tư theo từng đợt. Giả sử trường hợp xấu nhất, thị trường tiếp tục đi xuống trong 1-2 năm nữa, nhà đầu tư phân bổ đều đặn hàng tuần hay hàng tháng vào cổ phiếu sẽ xây dựng được danh mục tài sản rất rẻ.

Trong những điều kiện khó khăn, bà cho rằng nhà đầu tư nên lựa chọn những công ty lớn, dẫn đầu để sống sót qua khủng hoảng, hoặc công ty nhỏ có dòng tiền tốt, cổ tức tốt bù đắp lại cho mức giảm thị giá trước mắt và hồi phục nhanh sau khủng hoảng. Theo quan điểm của Giám đốc đầu tư VCBF, đây là cơ hội dành cho nhà đầu tư muốn xây dựng danh mục giá rẻ và sẵn sàng bỏ tiền dài hạn từ 5-10 năm.

Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh lại cho rằng đây chưa phải là lúc để nhảy vào thị trường chứng khoán. Sau khủng hoảng 2008-2009, thị trường chứng khoán là kênh phục hồi nhanh nhất chỉ sau tiền mã hoá. Thị trường 2008-2009 đi theo đáy chữ V – rớt rất mạnh nhưng đi lên cũng rất nhanh. “Nhưng tôi lo sợ thị trường đợt này sẽ đi theo hướng W hoặc chữ U – có nghĩa là mua tại đáy cũng không có lời”.

Ông Khánh nói: “Dịch bệnh không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường tài chính lao dốc đồng loạt”. Kinh tế toàn cầu thực tế đã có dấu hiệu đi xuống từ 3 năm trước (trừ kinh tế Mỹ). Ở Việt Nam, GDP tăng trưởng mạnh nhất trong thập kỷ qua là quý I/2018 còn đà tăng trưởng đã chậm lại ở các quý tiếp theo. Trên thế giới, Ngân hàng Thuỵ Sỹ để lãi suất âm từ cuối 2015. Ngân hàng Châu Âu để lãi suất âm từ 2018 đến nay. Kinh tế Trung Quốc có mức độ tăng trưởng giảm dần đều trong suốt chục năm trở lại đây. Chiến tranh thương mại giai đoạn 2 dường như được dời vô thời hạn vì việc đối phó với dịch bệnh. Cuộc chiến này cũng lan ra cả các nước khác chứ không riêng Mỹ – Trung.

“Bản chất nội tại nền kinh tế đã có sự bất ổn – nằm bên kia sườn dốc. Và dịch bệnh chỉ là cú quật ngã thêm khiến cả nền kinh tế lao đao. Đó là lý do thị trường nhiều khả năng đi theo W hoặc U. Đây là bộ phim dài tập”, ông Khánh nói.

Theo chuyên gia này, đây chưa phải là thời điểm thích hợp để nhảy vào thị trường. Tuy nhiên, với chứng khoán phái sinh – đây lại là cơ hội tốt dành cho những nhà đầu tư am hiểu.

Đầu tư vào chứng chỉ quỹ?

Ưu điểm: Dòng vốn đầu tư linh hoạt (từ 1 vài triệu) nhà đầu tư cũng có thể mua được 1 số lượng chứng chỉ quỹ. Việc đầu tư được thực hiện bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc ra quyết định đầu tư (không phụ thuộc vào tâm lý cảm tính so với cá nhân trực tiếp tham gia đầu tư).

Tính thanh khoản cao, việc mua bán giao dịch chứng chỉ quỹ thực hiện bất kì lúc nào nhà đầu tư muốn.

Có thể đầu tư định kỳ theo tháng, quý, năm… Với số tiền nhỏ từ VÀI TRIỆU với lãi suất bình quân (khi thành lập 2014 xem báo cáo dưới)

đầu tư vào đâu trong mùa dịch covid 19 này - Chứng chỉ quỹ
Giá khởi điểm 1 đơn vị CCQ hơn 8000đ, kết thúc năm 2017 giá CCQ ~ 14.000đ => tăng trưởng 75%

Với sức mạnh lãi suất kép (lãi mẹ đẻ lãi con) số tiền định kỳ cực nhỏ, nhưng với việc đầu tư định kỳ và kỷ luật khách hàng sẽ giật mình với khoản tiền đầu tư của mình sau 5, 10, 15 năm.

Đầu tư gì trong mùa covid 19 - Lãi suất kép
Với việc đầu tư định kỳ 10tr/năm, sau 15 năm sẽ là hơn 500tr (với lãi suất quân bình từ 2014 ~15%)

 

Nhược điểm: Việc đầu tư chứng chỉ quỹ đòi hỏi nhà đầu tư có một tâm thế sẵn sàng và dài hạn. Trong ngắn hạn chứng chỉ quỹ có thể biến động lên xuống tùy thuộc vào thị trường và kinh tế trong/ngoài nước. 

Đầu tư vào đâu trong mùa dịch covid 19 chứng chỉ quỹ
Đầu tư chứng chỉ quỹ hiệu quả cao nhưng đòi hỏi thời gian dài

Hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ được các nhà đầu tư ở các nước phát triển khá yêu thích, tuy nhiên ở Việt Nam còn khá mới mẻ, rất nhiều người còn chưa biết đến và hiểu về loại hình đầu tư này.

Xem thêm: Quỹ mở là gì

Trên đây là những tổng hợp từ vnexpress và một số những trang khác. Hy vọng với những tổng hợp đánh giá trên giúp phần nào đó cho nhà đầu tư lựa chọn những kênh đầu tư phù hợp, hiệu quả cho mình.

 

 

Bình Luận Facebook